Hãy hình dung nguyên tắc huấn luyện là hệ điều hành trong chiếc điện thoại của bạn, còn các kỹ thuật huấn luyện là những ứng dụng được cài đặt trên hệ điều hành đó, ví dụ như máy tính, đồng hồ báo thức,… Giả sử bộ máy của bạn hoạt động tốt, thì khi cần dậy vào lúc 6 giờ, bạn chỉ cần nhập thời gian bạn muốn dậy thì đúng giờ, tiếng chuông sẽ đánh thức bạn. Tuy nhiên khi hệ điều hành của điện thoại bị lỗi thì ứng dụng trở nên vô dụng. Điều đó có nghĩa là khi bạn có kỹ thuật huấn luyện (ứng dụng) nhưng mà tư duy của bạn về việc huấn luyện bị lệch lạc (hệ điều hành sai) thì kết quả bạn đạt được cũng sẽ không như ý.
Có 8 nguyên tắc mà một huấn luyện viên sẽ tuân thủ để có thể huấn luyện hiệu quả:
Để quá trình huấn luyện thành công, nền tảng đầu tiên và quan trọng nhất phải là sự tin tưởng. Huấn luyện viên cần tập trung vào việc làm thế nào để thực sự tạo được kết nối mật thiết với khách hàng, bởi vì chỉ khi khách hàng tin tưởng huấn luyện viên, họ mới chia sẻ những điều thầm kín mà có lẽ chưa từng chia sẻ cùng ai. Những điều thầm kín đó có thể là ý định về sự nghiệp như nghỉ việc tại công ty hiện tại, hay chỉ đơn thuần là than thở về những khó khăn trong cuộc sống. Nhất là với những người ở vị trí lãnh đạo, những điều như vậy thật không dễ chia sẻ.
Coach cần phải làm cho Coachee cảm thấy an toàn và thoải mái. Một trong những điều làm Coachee cảm thấy an toàn đó là tính bảo mật, Coach cần duy trì tính bảo mật trong suốt thời gian huấn luyện và cả sau khi huấn luyện.
Khách hàng luôn toàn vẹn, sáng suốt và có khả năng tạo ra những kết quả tốt hơn những gì họ đang tạo ra. Khách hàng không đến với huấn luyện viên khi “đổ vỡ”, có điều gì cần hàn gắn, mà là để đạt những mục tiêu có ý nghĩa. Là một huấn luyện viên, bạn phải tin rằng khách hàng có khả năng trở thành người họ muốn, làm được điều họ muốn, có được thứ họ muốn. Nó có thể là bất cứ điều gì đạt được nhờ việc tăng cường tập luyện, duy trì một mối quan hệ hay tìm kiếm một công việc tốt hơn. Nếu bạn ngầm tin rằng khách hàng của bạn rất khó đạt đến những mục tiêu và rằng họ đơn giản là không đủ khả năng, thì niềm tin đó sẽ làm giảm hiệu quả huấn luyện.
Ví dụ: Trong quá trình huấn luyện, bạn nghe khách hàng chia sẻ về khó khăn khi cố gắng phát biểu. Bạn có thể nghĩ rằng rằng khách hàng thực sự rất tệ khi phát biểu, sợ hãi, và bạn sẽ không nghĩ khách hàng có khả năng thực hiện một bài phát biểu thành công. Tại thời điểm này, khả năng hỗ trợ khách hàng của bạn để đạt được mục tiêu đó trở nên suy giảm vì bạn có kỳ vọng tiêu cực về kết quả của buổi huấn luyện.
Nếu bạn chắc chắn rằng khách hàng không thể đạt một điều gì đó, bạn phải đối mặt với nó một cách chân thành. Nếu bạn không thành thật nói lên điều bạn nghĩ, thì tính chính trực, trung thực của mối quan hệ huấn luyện sẽ sụp đổ.
Đối với khách hàng, việc có một huấn luyện viên luôn mang suy nghĩ rằng họ sẽ thất bại hoàn toàn không phải là kiểu hỗ trợ mà họ cần đến
Coaching là một phương pháp đòi hỏi nhièu sự thực hành để thành công
Là một huấn luyện viên, bạn chiến thắng khi khách hàng chiến thắng. Sự hài lòng sẽ đến khi bạn đóng góp vào hành trình đi đến thành công của khách hàng. Đây chính là nguồn động lực to lớn để các huấn luyện viên tiếp tục sự nghiệp huấn luyện của mình.
Trong thực tế, giải pháp hoặc ý tưởng đến từ Coachee thường hợp lý và thực tế đối với họ và sẽ dẫn đến hành động. Coachee sẽ thấy được tự chủ hơn với những ý tưởng do chính mình nghĩ ra, khiến họ có ý thức trách nhiệm hơn trong việc hoàn thành những ý tưởng đó.
Huấn luyện viên phải chống lại sự cám dỗ của việc đưa ra câu trả lời. Một người coach giỏi luôn huấn luyện trên quan điểm rằng giải pháp tốt nhất đến từ khách hàng, không phải đến từ huấn luyện viên. Tuy nhiên, huấn luyện viên cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến những ý tưởng và suy nghĩ của khách hàng nhờ việc theo sát quy trình huấn luyện. Công cụ tạo ảnh hưởng thông thường nhất của huấn luyện viên là cách đặt câu hỏi, khả năng lắng nghe, sự quan sát và phản hồi.
Khi chúng nắm rõ và tuân thủ quy luật này, chúng ta cũng biết thêm khi nào có thể phá luật. Xin nhắc lại khuyến cáo cho huấn luyện viên: Trong hầu hết các hoàn cảnh, huấn luyện viên phải kiềm chế việc đưa ra lời khuyên hay bảo khách hàng họ nên làm gì. Nhưng đôi khi, nếu bạn cảm thấy rằng bạn cần phải phá luật và chia sẻ ý tưởng của mình, hãy hỏi xin phép khách hàng. Ví dụ: “Tôi có thể đưa ra suy nghĩ riêng của mình chứ?”
Sau khi khách hàng đồng ý, bạn chia sẻ suy nghĩ của mình và luôn kết thúc bằng câu hỏi “Bạn nghĩ như thế nào về điều tôi vừa chia sẻ?” Lý do là gì? Để Coach kiểm tra mức độ và cách hiểu của Coachee về những gì mình vừa chia sẻ. Nếu họ thấy ý kiến chia sẻ vừa rồi là hợp lý và quyết định hành động theo ý kiến của huấn luyện viên thì Huấn luyện viên cần hỏi tiếp: “Tại sao bạn thấy ý tưởng đó lại phù hợp và có thể áp dụng được trong tình huống này của bạn?” Khi đó Coachee chính là người chọn lựa và làm chủ điều họ muốn làm, hiểu được lý do tại sao họ muốn làm (cho dù ý tưởng lúc ban đầu là của người Coach đưa ra).
Bằng cách yêu cầu sự cho phép của khách hàng, bạn đã làm tăng xác suất mà khách hàng sẽ tiếp nhận ý tưởng của bạn. Nhưng trên tất cả, hãy từ bỏ mong muốn tìm câu trả lời đúng cho tất cả các tình huống của khách hàng. Dù cho bạn đã chia sẻ ý tưởng của bạn – HÃY QUYÊN NÓ ĐI! Đừng cố liên hệ với chúng bằng mọi cách. Khách hàng có thể dùng những ý tưởng của bạn ngay lập tức, hoặc dành thời gian để cân nhắc và chấp nhận những gợi ý đó. Cho dù khách hàng có quyết định thế nào, Huấn luyện viên phải luôn tránh làm ảnh hưởng đến kết quả.
Huấn luyện viên huấn luyện theo nguyên tắc khách hàng là người chịu trách nhiệm cho cuộc sống và kết quả mà họ tạo ra, bao gồm các quyết định liên quan đến công việc, mối quan hệ, nơi họ sống,...
Trong nguyên tắc huấn luyện này, ý thức về trách nhiệm cá nhân là điểm mấu chốt nếu chúng ta muốn tạo động lực để khách hàng hành động quyết liệt và tích cực. Trong tiếng Anh, “trách nhiệm” viết là “responsibility”. Phân tách từ này, ta sẽ có “response” (nghĩa là “phản hồi”) và “ability” (nghĩa là khả năng), vậy tức là ta có “ablity to respond” – khả năng để phản hồi.
Nền tảng của việc huấn luyện được xây dựng dựa trên niềm tin rằng mỗi cá nhân đều bẩm sinh có khả năng hiểu và tìm ra câu trả lời đúng cho mọi tình huống họ gặp phải. Vai trò của huấn luyện viên là hỗ trợ khách hàng kết nối những thông tin đã có sẵn trong bản thân họ để mang đến những thay đổi mạnh mẽ trong cuộc sống của khách hàng.
Tâm thế nạn nhân:
Đối lập với tâm thế chịu trách nhiệm và mạnh mẽ chính là tâm thế “nạn nhân”. Những cá nhân ở tâm thế nạn nhân phản ứng như thể cuộc sống họ luôn có điều bất lợi còn họ thì rất khó hoặc dường như không thể tác động lên nó. Trong ngôn ngữ và hành vi của họ, nó có thể được thể hiện bằng những câu phát biểu như: “Chà, tôi có thể làm được gì trong tình huống đó chứ?” hoặc “Chuyện này dường như cứ xảy đến với tôi” hoặc “Vô ích thôi, tôi không thể làm gì hơn được”.
Khi khách hàng cư xử ở “tâm thế nạn nhân”, họ nghĩ họ là nạn nhân của những gì đang diễn ra trong cuộc sống họ. Điều đó khiến họ nghĩ rằng họ không thể thay đổi hiện trạng họ phải chịu đựng. Họ có thể không nhìn thấy bất kỳ một lối ra nào và cũng không có động lực để tìm kiếm giải pháp.
Khi Coach lật ngược tâm thế của Coachee, thuyết phục anh ta rằng anh ta chính là người chịu trách nhiệm cho tình huống của mình, anh ta sẽ ngay lập tức cảm thấy bản thân mạnh mẽ hơn và có thể thay đổi hiện trạng.
Giúp khách hàng chịu trách nhiệm – không phải chỉ trích
Việc phân biệt rõ sự khác nhau giữa “giúp khách hàng chịu trách nhiệm” và “chỉ trích” là rất quan trọng. Chỉ trích thể hiện cách hiểu rằng một người đã làm một việc sai trái và phải chịu lãnh nhận hậu quả. Chỉ trích cũng thường gắn liền với sự xấu hổ, tội lỗi và đau khổ. Chịu trách nhiệm là nhận biết sự ảnh hưởng của bản thân lên những tình huống đang diễn ra. Là một huấn luyện viên, bạn phải có sự phân biệt rõ ràng giữa hai khái niệm này.
Nếu Coachee chỉ trích thay vì chịu trách nhiệm, điều đó không mang lại cho họ sức mạnh cá nhân. Càng chỉ trích, họ sẽ chỉ cảm thấy tồi tệ hơn mà thôi. Khi một người có khuynh hướng tiếp nhận “tâm thế như là một liệt sĩ” trong một tình huống, thì những suy nghĩ như “tồi tệ”, “kém cỏi” hoặc “gánh nặng” có thể dần xuất hiện trong họ.
Là một huấn luyện viên, việc yêu cầu khách hàng tiếp nhận một tâm thế mạnh mẽ hơn – tâm thế chịu trách nhiệm – là rất cần thiết. Sau đó nhìn tình huống từ tâm thế này để khám phá thêm góc nhìn mới về vấn đề.