Trong thế giới kinh doanh, khai vấn cũng nhanh chóng phổ biến và trở thành quy trình phát triển nguồn nhân lực hiệu quả nhất hiện nay, được áp dụng để theo dõi hiệu quả công việc cho đến tư vấn phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường chỉ áp dụng các phương pháp khai vấn để giải quyết vấn đề và lên kế hoạch hành động. Trong khi đó, khai vấn đích thực vốn là quá trình tinh túy hơn – hành trình đồng sáng tạo và học hỏi lẫn nhau.
Khai vấn là quá trình tương tác đầy mạnh mẽ, khuyến khích và tạo điều kiện cho một người bộc lộ năng lực cao hơn, đồng thời thúc đẩy họ liên tục phát triển.
Khi nhắc đến những phương pháp hỗ trợ con người phát huy tối đa năng lực và gầy dựng sự nghiệp, không gì có thể so sánh được với khai vấn (kể cả tái thiết kế tổ chức, team-building hay chương trình nâng cao chất lượng). Khai vấn mang lại hiệu quả vì nó tập trung vào con người chứ không phải quy trình và tổ chức. Thậm chí, một cuộc khai vấn ở mức trung bình cũng có thể mang lại kết quả đáng chú ý. Người nhận khai vấn sẽ nâng cao (hoặc tái nạp) năng lượng trong công việc, dám chịu trách nhiệm đối với mọi sự thành bại trong sự nghiệp của mình, tìm kiếm và đánh thức những tiềm năng bị lãng quên từ lâu, từ đó có thêm nhiều đóng góp vượt bậc cho tổ chức.
Khi công ty muốn trở nên linh hoạt, nhanh nhạy với môi trường đang thay đổi chóng mặt, khi những nhiệm vụ vốn thuộc về cấp lãnh đạo đang dần được phân bổ nhiều hơn xuống cho nhân viên cấp dưới, thì nhân viên thuộc mọi cấp bậc cần có những công cụ, sự tự tin và khao khát thể hiện vai trò lãnh đạo trong đội nhóm của mình và trong toàn tổ chức. Vì lẽ đó, tôi tin rằng khai vấn sẽ ngày càng được nhiều người nhìn nhận là một năng lực thiết yếu đối với mọi thành viên trong tổ chức.
Tuy hoạt động khai vấn ngày càng phổ biến nhưng vẫn tồn tại một số hiểu nhầm nhất định về nó. Để biến triển vọng xây dựng nền văn hóa khai vấn thành hiện thực, chúng ta cần phân biệt rạch ròi sự khác nhau giữa việc lượm lặt vài kỹ năng khai vấn với việc trở thành một bậc thầy khai vấn thực thụ